Hương Phụ (Cỏ gấu) là loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam. Được coi là kẻ thù của người nông dân với tốc độ phát triển và sức sống mãnh liệu của mình. Tuy nhiên đây cũng là một vị thuốc với rất nhiều công dụng tuyệt vời. Trong bài viết này các bạn hãy cùng Sức khỏe mỗi ngày cùng HCT đi tìm hiểu từ a-z về loài cây này nhé.
Theo các tài liệu Hương Phụ có:
- Tên khoa học: Cyperus rotundus L.
- Tên thường gọi: Củ gấu, Cỏ gấu, Cỏ cú, Hải hương phụ,…
- Thuộc họ: Cói Cyperaccae.
Cây Cỏ Gấu (Hương Phụ)
Cỏ gấu (Hương phụ) là một loài cỏ sống lâu năm, cao từ 20-60cm. Thân rễ phát triển thành củ, chôn sâu dưới đất. Tùy thuộc vào trạng thái đất mà củ phát triển to hay nhỏ.
Tại các vùng ven biển, đất thường xốp, pha cát hoặc cát cỏ gấu phát triển to, mập và dài hơn. Bẹ lá sinh trưởng cao, to hơn. Ngược lại tại các vùng núi cao, đồng bằng, nơi đất chặt thì cỏ gấu phát triển kém hơn với củ nhỏ, lá thấp.
Lá nhỏ hẹp, dữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lấy thân cây. Hoa mọc thành cụm từ 3-8 hoa, màu xám nâu, lưỡng tính có 3 nhị dài chừng 2mm. Nhụy hoa có đài núm chia thành 2 nhánh như lông tơ. Quả 3 cạnh màu xám.
Cây Cỏ Gấu (Hương phụ) mọc ở đâu?
Các bạn có thể tìm thấy cỏ gấu mọc hoang khắp mọi nơi, trên các đồng ruộng, ven đường… Tại các vùng ven biển, nơi các bãi hoang cỏ gấu phát triển mạnh và lan nhanh, có thể kín cả khoảng đất trong thời gian ngắn.
Thu hái và chế biến
Hiện nay cỏ gấu được thu hái ngoài tự nhiên từ nguồn cây mọc hoang.
Có 2 mùa thu hoạch chủ yếu là mùa xuân và mùa thu. Tuy nhiên vào mùa thu cỏ gấu sẽ cho củ chất lượng hơn bởi mùa này củ thường to và chắc hơn so với các mùa còn lại.
Sau khi đào toàn cây, người ta phơi khô sau đó vun thành đống để đốt, lá và rễ con cháy hết. Lấy củ sót lại đem rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi mang đi bảo quản. Là có thể dùng.
Tuy nhiên từ xa xưa các lương y trong dân gian đã sáng tạo ra nhiều cách chế biến khác công phu và phức tạp hơn. Gọi là Tứ Chế và Thất Chế Hương Phụ:
- Tứ chế: chia 1 lượng củ gấu thành 4 phần, mỗi phần tiến hành ngâm vào các dung dịch khác nhau như: nước tiểu trẻ em, nước dấm, rượu, nước muối. Thời gian ngâm khác nhau tùy vào mỗi mùa. Sau đó lấy tất cả ra trộn đều và mang đi sấy hoặc phơi khô rồi sử dụng.
- Thất chế: Nguyên lý chế biến hương phụ tương tự tứ chế. Tuy nhiên 1 lượng củ gấu ở đây được chia làm 7 phần. 4 phần mang đi tứ chế, 3 phần còn lại: 1 phần ngâm với nước gạo, 1 phần ngâm với nước gừng và 1 phần ngâm với nước cam thảo. Cuối cùng trộn đều mang đi phơi hoặc sấy khô rồi sử dụng.
Thành phần hóa học
Hiện chưa có nghiên cứu chi tiết về thành phần hóa học hay hoạt chất của Hương phụ (Củ gấu). Chỉ biết thành phần quan trọng nhất trong hương phụ là tinh dầu với hàm lượng từ 0,3-2,8%. Tinh dầu có màu vàng và có hương thơm nhẹ, rất đặc biệt.
Thành phần của tinh dầu hương phụ bao gồm:
- Cyperen C15H24 với 32%.
- Rượu Cyperola C15H24O với 49%.
- Axit béo, phenol, các chất khác 19%.
Tùy thuộc vào nguồn gốc các loại hương phụ mà thành phần của tinh dầu cũng không hoàn toàn giống nhau. Trong tinh dầu hương phụ Ấn Độ có chứa Cyperon C15H22O. Trong tinh dầu hương phụ Trung Quốc cyperen (độ sôi 104°C/5mm thủy ngân) và izocyperotundone, còn trong tinh dầu hương phụ Nhật bản có thành phẩn chủ yếu là cyperol, cyperenol (độ chảy 94°C) chiếm 49%, cyperen 32% và Ct-cyperon (độ sôi 177°C/20mm thủy ngân), cyperotundon và cyperolon (độ chảy 41- 42°C).
Ngoài ra trong hương phụ (củ gấu) còn chứa rất nhiều tinh bột.
Tác dụng dược lý
Đã được nghiên cứu:
- Theo Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và Lưu Thiệu Quang (1935, Trung Hoa y học tạp chí tập 1, kỳ 2: 148-156) đã dùng vị hương phụ nguổn gốc ở tỉnh Quảng Đông, nhưng bán ở Nam Kinh chế thành cao lỏng 5%, tiến hành thí nghiệm 102 lần trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế sự co bóp của tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung dù con vật có thai hay không có thai đểu như nhau, gần như có tác dụng trực tiếp làm cho cơ tử cung dịu lại. So sánh tác dụng của cao lỏng hương phụ và cao lỏng đương quy (một vị thuốc bắc hiện nay còn phải nhập có tác dụng chữa bệnh phụ khoa) thì tác dụng giống nhau, nhưng tác dụng của đương quy mạnh hơn.
- Năm 1959, một số tác giả ở Quí Dương y học viện (Trung Quốc) báo cáo nghiên cứu và chứng minh tác dụng giảm đau trên chuột nhắt trắng.
Tổng kết lại:
- Hương phụ (cỏ gấu) có tác dụng ức chế tử cung, gần như đương quy tố nhưng yếu hơn. Tinh dầu có hoạt tính nhẹ của kích thích tố nữ. Vì thế mà hương phụ thường dùng làm thuốc điều kinh.
- Hương phụ có tác dụng cường tim và hạ áp.
- Cồn chiết xuất hương phụ có tác dụng kháng viêm, giảm đau và giải nhiệt nhẹ. Có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh và ức chế trực tiếp cơ trơn của hồi tràng.
- Tinh dầu hương phụ có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lị Sonner và một số chủng nấm ngoài da.
Công dụng của Hương Phụ (Cỏ gấu)
Theo các tài liệu cổ Hương Phụ (cỏ gấu) có vị cay, ngọt, hơi đắng, tính bình. Vào 2 kinh can và tam tiêu.
Có tác dụng: lý khí, giải uất, điều kinh, chỉ thống, chữa khí uất, ung thư, ngực bụng chướng đau.
Chủ trị:
- Các bệnh phụ nữ: Kinh nguyệt không đều, thống kinh, viêm tử cung mãn tĩnh, các bệnh trước và sau sinh.
- Đau dạ dày do thần kinh, ăn không tiêu, nôn mửa, đau bụng, đi lỵ, hỗ trợ tiêu hóa…
Liều dùng: Uống từ 6-12g hương phụ dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên hoặc rượu thuốc mỗi ngày.
Những đơn thuốc, bài thuốc Hương Phụ (Cỏ gấu)
Hương Phụ trị các bệnh phụ nữ
I. Đơn thuốc trị kinh nguyệt không đều, thống kinh, viêm tử cung mãn tính, các bệnh trước và sau sinh
Nguyên liệu:
- Đơn thuốc 1: Hương phụ 20g; ích mẫu 15g; ngải diệp 10g; nhân trần 15g. Nước 500ml.
- Đơn thuốc 2: Hương phụ 20g; ích mẫu 15g; ngải cứu 6g; bạch đồng nữ 8g. Nước 300ml.
Cách thực hiện:
- Đơn thuốc 1: Cho vào ấm, đun nhỏ lửa còn 150ml. Để nguội.
- Đơn thuốc 2: Cho vào ấm, đun sôi khoảng 30 phút. Thêm đường vừa uống.
Sử dụng:
- Đơn thuốc 1: Uống 1 thang/ngày.
- Đơn thuốc 2: Uống đón kinh trước 10 ngày, mỗi ngày 1 thang.
II. Chữa kinh nguyệt không đều do huyết nhiệt, kinh thường thấy trước kỳ, lượng huyết nhiều màu sẫm, mùi hôi, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ
- Nguyên liệu: Hương phụ tứ chế 12g; Nhọ nồi 30g; Sinh địa 16g; Cỏ roi ngựa 25g; Ích mẫu 16g; Rau má tươi 30g; Ngưu tất 12g.
- Cách thực hiện: Cho tất cả vào ấm sắc thuốc cùng 600ml nước. Đun nhỏ lửa còn 300ml.
- Sử dụng: Ngày chia 3 lần uống hết trong ngày. Sử dụng trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt 3 ngày.
III. Đơn thuốc chữa kinh nguyệt không đều, kinh đến muộn, bụng dưới tức đau, lúc hành kinh có cục máu tím
- Nguyên liệu: Hương phụ 5g; Đương quy 10g; Thược dược 10g; Xuyên khung 5g; Ô dược 7g; Ngải diệp 3g.
- Cách thực hiện: Cho vào ấm sắc cùng 500ml nước. Đun nhỏ lửa còn 200ml.
- Sử dụng: Chia làm 2 lần sáng, tối uống hết trong ngày. Uống trước, trong, và sau kỳ kinh nguyệt 3 ngày.
Hương Phụ hỗ trợ tiêu hóa và các bệnh khác
I. Đơn thuốc chữa dạ dày lạnh, đau, nôn, ợ ra nước trong
- Nguyên liệu: Hương phụ 5g; Can khương 3g; Mộc hương 3g; Khương bán hạ 10g.
- Cách thực hiện: Cho tất cả vào ấm sắc thuốc cùng 400ml. Đun nhỏ lửa còn 100ml.
- Sử dụng: Uống 1 ngày 1 thang, đến khi các triệu trứng giảm hẳn.
II. Đơn thuốc chữa tiêu hóa kém
- Nguyên liệu: Hương phụ 12g; Quất bì 12g; Vỏ vối 12g; Vỏ rụt 16g; Chỉ xác 12g (tiêu chảy cho thêm củ Riềng 8g; Búp ổi 12g).
- Cách thực hiện: Tất cả mang đi sao vàng. Sau đó cho vào ấm sắc cùng 700ml nước. Đun nhỏ lửa còn 300ml.
- Sử dụng: Chia làm 2 lần sáng tối sau ăn 30 phút, uống hết trong ngày. Uống đến khi cải thiện bệnh.
III. Đơn thuốc chữa đau bụng, nôn mửa
- Nguyên liệu: Hương phụ, Củ riềng, Can khương mỗi loại 30g.
- Cách thực hiện: Trộn đều, tán thành bột.
- Sử dụng: Ngày 3 lần, mỗi lần 6g cùng nước ấm.
IV. Đơn thuốc trị rối loạn tiêu hóa, ăn không biết ngon
Nguyên liệu: Hương phụ 6g; Sa nhân 3g; Mộc hương 5g; Chỉ thực 6g; Đậu khấu nhân 5g; Hậu phác 10g; Hoắc hương 5g; Bạch truật, Trần bì, Phục linh, Bán hạ, Sinh khương mỗi vị 10g; Cam thảo 3g; Táo ta 5 quả.
Cách thực hiện: Cho tất cả vào ấm sắc thuốc cùng 1 lít nước. Đun nhỏ lửa còn 300ml.
Sử dụng: Chia 3 lần uống hết trong ngày. Mỗi ngày 1 thang.
Ngoài ra, hương phụ còn được ứng dụng trong việc sản xuất thực phẩm chức năng. Các sản phẩm được ứng dụng chuyên về sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa như bệnh dạ dày, tá tràng như:
- Bột Dạ Dày của Viện Y Học Cổ Truyền Quân Đội.
- Nano Curcumin HP và Cốm Bình Dạ Dày của Học Viện Quân Y.
- Các sản phẩm thuốc dạ dày nano Curcumin.
Những lưu ý trong quá trình sử dụng Hương Phụ (Cỏ gấu)
Là một vị thuốc thảo dược không độc tuy nhiên khi lựa chọn sử dụng bạn nên lưu ý:
- Không nên sử dụng quá 12g/ngày trong thời gian dài hoặc quá nhiều 1 lần.
- Chưa có nghiên cứu khi sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú. Cần tham khảo ý kiến bác sỹ khi cần sử dụng trong thời gian này.
- Không dùng cho bệnh nhân âm hư huyết nhiệt, khí hư . Không có khí trệ không dùng.
- Tránh sử dụng cùng các loại thuốc biệt dược. Nếu có phải tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng.
Tác dụng phụ: Hiện chưa ghi nhận trường hợp xuất hiện phản ứng phụ với hương phụ ở người.
Mua Cỏ Gấu (Hương Phụ) ở đâu?
Cỏ gấu (Hương phụ) là vị thuốc khá phổ biến, vì vậy các bạn có thể tìm mua tại các tiệm thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc Đông Y… Hiện nay trên một số Website chuyên về thảo dược cũng bày bán khá nhiều.
Dạo qua một số cơ sở thì giá Hương phụ hiện nay trên dưới 200.000đ/kg.
Giá cỏ gấu (hương phụ) sẽ thay đổi tùy thuộc thời điểm, tuy nhiên không giao động nhiều.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tăng cường kiến thức. Sức khỏe mỗi ngày cùng HCT không đưa ra những lời khuyên hoặc chỉ dẫn sử dụng cho vị thuốc này.
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website!
“Bài viết tham khảo tài liệu Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam của tác giả Đỗ Tất Lợi và Internet”
Tin tức liên quan: