Đương Quy là vị thuốc quý được ví là “Nhân Sâm dành cho phụ nữ”. Nó hỗ trợ bệnh phụ nữ với tác dụng: bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo hoạt trường, điều huyết và thông kinh. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, tắt kinh, thai tiền sản hậu… Ngoài ra còn được sử dụng trong nhiều đơn thuốc bổ và trị các bệnh khác.
Theo các tài liệu cổ, Đương Quy có:
- Tên khoa học: Angelica Sinensis (Oliv.) Diels.
- Tên thường gọi: Tần Quy, Vân Quy, Sâm Đương Quy.
- Họ: Hoa tán Apraceae.
Sâm Đương Quy
Mô tả sâm Đương Quy
Đương quy là một loại cây nhỏ, sống lâu năm cao từ 40-80cm, thân màu tím có rãnh dọc đặc trưng. Lá mọc so le, 2-3 lần xẻ lông chim, cuống dài 3-12cm, 3 đôi lá chét. Đôi lá chét phía dưới có cuống dài, đôi phía trên đỉnh không có cuống. Lá chét xẻ 1-2 lần nữa, mép có răng cưa, ½ cuống phía dưới ôm lấy thân cây.
Hoa nhỏ màu xanh trắng, hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-40 hoa. Quả bế có rìa màu tím nhạt.
Phân bố
Sâm đương quy được trồng nhiều ở các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam và Thiểm Tây. Hiện nay đã được di thực về trồng thành công trong phạm vi nhỏ ở Sapa – Lào Cai.
Ngoài ra cũng thành công khi trồng tại đồng bằng sông Hồng vào mùa rét. Tuy nhiên chất lượng không đủ tiêu chuẩn. Vì vậy nguồn sâm đương quy hiện nay vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thu hoạch và chế biến
Sâm đương quy có yêu cầu khắt khe về quy trình trồng cấy cũng như sinh trưởng. Hàng năm người ta sẽ tiến hành gieo hạt vào mùa thu. Vào cuối thu đầu đông người ta sẽ chuyển cây con xuống dưới đất cho qua mùa đông.
Mùa xuân tiếp theo người ta tiếp tục trồng, đến mùa đông lại bảo vệ. Quy trình này thực hiện lặp đi lặp lại qua 3 năm là có thể thu hoạch được.
Mùa thu năm thứ 3 người ta tiến hành đào rễ về và chế biến. Cắt bỏ rễ con, phơi trong nhà hoặc cho vào thùng sấy lửa nhẹ, sau đó phơi trong mát cho khô.
Các sản phẩm Sâm đương quy được chia làm 3 loại:
- Quy Đầu là rễ chính hoặc 1 bộ phận cổ rễ.
- Quy Thân hay Quy Thoái là phần dưới của rễ chính hoặc rễ phụ lớn.
- Quy Vĩ là phần rễ phụ nhỏ.
Thành phần hóa học Sâm Đương Quy
Các nghiên cứu khoa học đã phân tích được trong Sâm đương quy có chứa những thành phần sau:
- Tinh dầu 0,2%: n-butylidenphtalit C12H12O2 và n-valerophenon O-cacboxy-axit C12H14O3
- Các chất khác: n-butylphtalit C12H14O2, becgapten C12H8O4, sesquitecpen, safrola và vitamin B12.
Tác dụng dược lý
1. Tác dụng trên tử cung và các cơ trơn
Từ những năm 1924 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu tác dụng lâm sàng của Sâm đương quy trên động vật và cho kết quả: Co tử cung, các cơ quan cơ trơn khác như ruột cũng có hiện tượng này. Đồng thời huyết áp hạ xuống đi kèm với đó là lợi tiểu.
Những năm sau này cũng có nhiều tác giả nghiên cứu và đều thấy những tác dụng tương tự. Vì vậy các tác giả đã đề xuất ra 3 loại tác dụng nổi bật của Sâm này:
- Ức chế sự co của tử cung, làm giãn nghỉ sự căng tử cung, trực tiếp giảm đau do hành kinh.
- Giãn nghỉ tử cung, tăng cường lưu thông máu huyết, cải thiện dinh dưỡng tại chỗ. Làm cho tử cung nhanh chóng bình thường và gián tiếp chữa chứng thống kinh.
- Làm trơn ruột, chữa táo bón, làm giảm sung huyết vùng xương chậu. Tham gia làm giảm đau trong kỳ kinh nguyệt.
2. Tác dụng trên hiện tượng thiếu Vitamin E
Theo Nghê Chương Kỳ (1941) nếu thêm 5-6% củ Sâm đương quy vào thức ăn của 100% chuột bị thiếu Vitamin E. Với chứng bệnh ở tinh hoàn cho kết quả 38% chuột không còn biểu hiện của hiện tượng thiếu Vitamin E nữa.
Các vị thuốc khác như Dâm dương hoắc, Đan sam, Tục đoạn và Xuyên khung cũng có tác dụng tương tự. Vì vậy nhân dân thường sử dụng Sâm đương quy trong các bài thuốc an thai.
3. Tác dụng đối với trung khu thần kinh
Đối với thần kinh thì Sâm đương quy này cho thấy khả năng trấn tĩnh hoạt động của đại não. Lúc đầu gây hưng phấn trung khu tủy sống, sau tê liệt, đưa đến huyết áp hạ thấp. Nhiệt độ cơ thể hạ, mạch đập chậm và có hiện tượng co quắp. Nhưng khi tiêm dưới da thì các hiện tượng trên không rõ rệt và chỉ thấy liệt hô hấp sau đó mới liệt tim.
4. Tác dụng của Sâm đương quy với huyết áp và hô hấp
Nghiên cứu cho thấy tinh dầu đương quy có tác dụng hạ huyết áp. Các thành phần không bay hơi lại có tác dụng ngược lại khi tăng sự co cơ trơn ở thành mạch máu.
Tác động của tinh dầu đối với huyết áp và hô hấp tùy thuộc vào liều lượng tinh dầu sử dụng:
- Liều nhỏ: Huyết áp hơi hạ thấp, hô hấp bị kích thích nhẹ hoặc rất ít.
- Liều trung bình: Huyết áp hạ thấp nhiều hơn, hô hấp khó khăn.
- Liều cao: Huyết áp hạ nhanh, hô hấp khó khăn rõ rệt cuối cùng gây ngừng thở và tử vong.
5. Tác dụng với cơ tim
Giúp cải thiện đáng kể khả năng thực hiện các hoạt động thông thường bằng cách giảm số lượng nhịp tim bị rối loạn. Tuy nhiên không thể ngừng hẳn hiện tượng này. Đương quy chỉ có khả năng ngăn chặn các tín hiệu khiến nhịp tim bất thường.
6. Tác dụng kháng sinh
Dung dịch Đương quy đã được chứng minh là có tác dụng kháng sinh đối với trực trùng lỵ và tụ cầu trùng. Vì vậy được sử dụng trong các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa cũng như 1 số sản phẩm bôi ngoài da.
Đương quy được coi là một vị thuốc rất phổ thông trong Đông Y. Khi được dùng làm đầu vị trong nhiều đơn thuốc chữa bệnh phụ nữ, thuốc bổ cũng như điều trị các bệnh khác.
Tác dụng và ứng dụng của Sâm Đương Quy
Theo y học cổ truyền Đương Quy có vị ngọt, cay, hơi đắng, tính ấm. Vào 3 kinh tâm, can tỳ, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, thông kinh mạch, chống mệt mỏi, nhuận tràng, giảm đau nhức xương khớp, làm mờ vết thâm nám, làm đẹp da, trẻ hóa cơ thể…
Tùy thuộc vào mục đích sử mà các bạn có thể lựa chọn sử dụng các bộ phận như:
- Phần trên cùng (quy đầu) chỉ huyết.
- Phần thân giữa (quy thân) bổ huyết.
- Phần rễ (quy vĩ) thiên về hoạt huyết, ngăn ngừa tình trạng ứ huyết.
Liều lượng sử dụng: từ 6-15g tùy tình trạng cơ thể.
Các bài thuốc chữa bệnh của Sâm Đương Quy
I. Đơn thuốc chữa đau xương khớp, viêm khớp, đau nhức cánh tay.
Nguyên liệu:
- Đương quy 12g, Ngưu tất 10g, Nghệ 8g.
- Nước 500ml.
Cách thực hiện: Cho tất cả vào ấm sắc thuốc, đun nhỏ lửa còn 200ml. Để nguội.
Cách sử dụng: Ngày chia 2-3 lần uống hết.
II. Đơn thuốc chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, tay chân lạnh
Nguyên liệu: Sâm đương quy 100g.
Cách thực hiện:
- Cho 6-15g vào 200ml nước. Sắc nhỏ lửa còn 100ml. Để nguội.
- Rửa sạch cho vào 500ml rượu nếp ngâm.
Cách sử dụng:
- Với thuốc sắc, ngày chia 2 lần uống hết. Sử dụng liên tục 10-15 ngày.
- Với rượu đương quy sử dụng 15 ngày liên tục.
III. Đơn thuốc tứ vật chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều…
Nguyên liệu:
- Đương quy, Thục địa mỗi loại 12g. Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g.
- Nước 600ml
Cách thực hiện: Cho vào ấm sắc thuốc, đun nhỏ lửa còn 200ml. Để nguội.
Cách sử dụng: Chia 3 lần uống hết trong ngày.
IV. Đơn thuốc đương quy kiện trung chữa thiếu máu, bổ huyết cho phụ nữ sau sinh
Nguyên liệu:
- Đương quy 7g, Quế chi, Sinh khương, Đại táo mỗi vị 6g, Thược dược 10g, Đường phèn 50g.
- Nước 600ml.
Cách thực hiện: Cho vào ấm, đun nhỏ lửa còn 200ml.
Cách sử dụng: Chia làm 3 lần uống hết trong ngày.
V. Đơn thuốc chữa chảy máu cam
Nguyên liệu: Đương quy 50g.
Cách thực hiện: Sao vàng, tán nhỏ.
Cách sử dụng: Ngày sử dụng 3-4 lần, mỗi lần 4g. Sử dụng cùng nước cháo.
VI. Đơn thuốc chữa suy nhược tâm thần
Nguyên liệu:
- Đương quy, Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Cam thảo, Viễn chi, Xà sàng, Phụ tử chế, Táo nhân, Khởi tử, Bạch chỉ mỗi thứ 6g.
- Nước 600ml.
Cách thực hiện: Cho tất cả vào ấm sắc thuốc, đun nhỏ lửa còn 200ml.
Cách sử dụng: Ngày chia 3 lần, uống hết trong ngày.
Sâm Đương Quy trong sản xuất Thuốc & TPCN
Ngày nay với sự phát của kinh tế cùng với những đột phá trong Y học. Con người có điều kiện hơn để chăm lo cho sức khỏe của bản thân cùng gia đình. Những sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên ngày càng được quan tâm và lựa chọn sử dụng hơn.
Dưới đây là một số sản phẩm thực phẩm chức năng có thành phần Đương Quy trên thị trường:
- Sản phẩm Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ: Viên Uống Bổ Trung và thuốc Bôi Mỡ Sinh Cơ của Viện Y Học Cổ Truyền Quân Đội.
- Sản phẩm Hoạt huyết an thần, tăng cường sinh lý và trắng da của Học viện Quân Y.
Tác dụng phụ Sâm Đương Quy
Mặc dù khá lành tuy nhiên nếu bạn sử dụng quá liều lượng trong thời gian dài, có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn sau:
- Gây tụt huyết áp.
- Chán ăn, đầy hơi, co thắt đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa.
- Kích ứng da, rối loạn cương dương.
- Nhạy cảm với ánh sáng, có nguy cơ nhiễm độc hoặc viêm da khi tiếp xúc với ánh sáng.
Lưu ý không sử dụng cho các trường hợp sau:
- Tuyệt đối không sử dụng cho phụ nữ có thai. Có nguy cơ gây sẩy thai cao.
- Không sử dụng cho trẻ em và phụ nữ đang cho con bú.
- Không sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường cũng như bị viêm loét dạ dày và rối loạn máu.
Mua Sâm Đương Quy ở đâu?
Nhu cầu Đương quy trên thị trường khá lớn. Kết hợp với nguồn nguyên liệu tại Việt Nam không đáp ứng đủ chất lượng và số lượng. Do vậy giá cả thường không ổn định.
Trên thị trường hiện nay giá vị thuốc Đương Quy chuẩn, đạt chất lượng có giá trên dưới 500.000đ/kg tùy loại.
“Bài viết được tham khảo tài liệu Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi & Internet”
Tin tức liên quan:
Mình muốn phân tích chất lượng đương quy trồng tại địa phương Hoàng Su Phì xin cho địa chỉ để gửi mẫu phân tích ạ xin cảm ơn
Chào anh Tá. Anh liên hệ với các đơn vị phân tích để được hỗ trợ nhé!