Khổ Qua Rừng là loài thực vật dạng dây leo, thuộc họ bầu bí. Khổ qua được coi là một loại cây có giá trị khi được lựa chọn sử dụng làm rau, làm thuốc với công dụng nổi bật từ thời cổ đại cho đến nay. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khổ qua rừng là cây có triển vọng nhất cho bệnh tiểu đường. Bài viết này Sức khỏe mỗi ngày cùng HCT sẽ trình bày một cách tổng quát nhất về vị thuốc quý từ thiên nhiên này.
Khổ Qua Rừng
Theo các tài liệu cổ Khổ Qua Rừng có:
- Tên khoa học: Momordica charantia.
- Tên gọi khác: Mướp đắng rừng.
- Họ: Bầu bí Cucurbitaceae.
Mô tả cây
Khổ qua rừng là loài thực vật nhỏ, thân leo bằng tua cuốn. Thân cây nhỏ, đường kính từ 3 – 6mm. Có thể bò dài từ 2-3m.
Lá cây mọc so le, màu xanh lục, dài từ 5 -10cm, rộng 4 – 8cm. Phiến lá hình trứng chia thành 5 – 7 thùy, mép kía răng. Mặt trên lá có màu đậm hơn, phiến lá có lông ngắn bao phủ. Hoa đực và cái mọc tách riêng ở phần nách lá, kích thước nhỏ, có màu vàng nhạt.
Quả thuôn dài, dạng hình thoi dài từ 8 – 10cm. Bề mặt sù xì, xấu xí có nhiều mụn nhỏ nổi lên. Quả non có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu vàng hồng. Hạt nhỏ, dẹt màu xanh nhạt. Khi chín có màng đỏ bao quanh giống hạt gấc.
Tổng thể hình dạng khổ qua rừng tương tự khổ qua thường. Tuy nhiên thân, lá, quả đều nhỏ hơn và có vị đắng hơn.
Khổ qua rừng mọc ở đâu?
Khổ qua rừng mọc hoang tại nhiều nơi ở các quốc gia nhiệt đới. Một số nước như: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Australia…
Ở Việt Nam cây được tìm thấy ngoài tự nhiên tại các vùng đồi núi. Phổ biến hơn tại khu vực miền nam.
Bộ phận dùng
Theo kinh nghiệm dân gian, gần như tất cả các bộ phận của cây: thân, lá, hoa, quả đều được sử dụng để làm thuốc.
Thu hái và chế biến
Cây khổ qua rừng có thời gian sinh trưởng khá ngắn, chỉ từ 5-6 tháng.
Hiện nay có thể thu hoạch khổ qua rừng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Có thể dùng tươi hoặc khô đều được. Tuy nhiên để tiện cho việc bảo quản và sử dụng, người ta thường tiến hành sơ chế và chế biến.
Phương pháp chế biến khổ qua rừng:
- Bước 1: Tiến hành thu hoạch quả, thân, lá, tùy mục đích sử dụng.
- Bước 2: Rửa sạch, để ráo nước.
- Bước 3: Cắt theo kích thước đồng bộ, đều nhau (quả cắt lát mỏng đều nhau).
- Bước 4: Phơi hoặc sấy khô sau đó bảo quản trong túi nilong kín.
Thành phần hóa học Khổ Qua Rừng
Khổ qua rừng là một loài cây giàu dinh dưỡng với hàng loạt hợp chất có lợi. Bao gồm: các hóa chất mang hoạt tính sinh học, các vitamin, khoáng chất và chất chống oxi hóa.
Trong quả mướp đắng rừng chứa lượng lớn: vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin B1, B2 và B3, cũng như vitamin B9 (axit folic). Các khoáng chất: sắt, canxi, phốt pho, kẽm, magiê và là nguồn chất xơ tốt. Các hợp chất mang tác dụng hóa sinh như: glycoside, saponin, alkaloids, đường khử, nhựa, thành phần phenolic, dầu cố định và axit tự do…
Trong lá và thân: Các thành phần tương tự như quả mướp đắng ta, tuy nhiên hàm lượng có hơi thấp. Bù lại đây là nguồn cung chất xơ tuyệt vời.
Các nghiên cứu khoa học còn chỉ ra các giá trị calo mà các bộ phận cung cấp như sau:
- Lá mướp đắng: 213,26 Kcal/100g.
- Quả mướp đắng: 241,66 Kcal/100g.
- Hạt mướp đắng: 176,61 Kcal/100g.
Tác dụng dược lý khổ qua rừng
I. Tác dụng chống đái tháo đường
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng mướp đắng rừng có tác dụng chống đái tháo đường mạnh thông qua các xét nghiệm dựa trên tế bào, thử nghiệm lâm sàng ở động vật và con người:
- Chiết suất đường uống từ trái mướp đắng rừng có thể làm giảm đáng kể đường huyết trong streptozotocin- (STZ-) ở chuột bị tiểu đường với liều lượng 250mg/kg.
- Chiết suất nước trái khổ qua rừng có thể kích thích tiết insulin. Nó giảm lồng độ glucose độc lập với sự hấp thụ glucose ở ruột.
- Sử dụng lâu dài nước ép quả mướp đắng ở mức 20mg/kg giúp phục hồi các tế bào β bị phá hủy và sửa chữa các tế bào HIT-T15 bị tổn thương. Đồng thời giảm khả năng dung nạp Glucose trong máu chuột do alloxan gây ra xuống mức bình thường sau 7-22 ngày sử dụng.
II. Tác dụng chống oxi hóa
Ba hợp chất triterpenoids: polysacarit, saponin và phenolics được phân lập từ khổ qua rừng cho tác tăng đáng kể các hoạt động chống oxi hóa. Tương ứng với mức bổ sung 13,33g/kg ở chuột bị tiểu đường.
Ngoài ra Flavonoid còn được biết đến là một trong những chất tẩy gốc tự do và chất chống oxi hóa. Khả năng chống oxi hóa đạt giá trị cao nhất đạt 96,14 ± 1,02% ở nồng độ 1,2 mg/ml.
III. Tác dụng kháng virut
Chiết suất Ethanolic từ lá và thân cây khổ qua rừng có khả năng ức chế cao virus HSV-1 và SINV.
Ngoài ra các hợp chất protein và steroid được phân lập từ khổ qua cho thấy hoạt tính chống virut HIV-1 vừa phải với các giá trị EC 50 là 8,45 và 25,62 Nottg/ml.
Tương tự thành phần MAP30 trong protein ức chế virut HIV, giảm biểu hiện của protein lõi p24 và các ezyme sao chép ngược liên quan tới virut (HIV-RT). Trong khi ít ảnh hưởng tới sự tổng hợp DNA và protein của tế bào trong các tế bào H9.
IV. Tác dụng kháng khuẩn của khổ qua rừng
Các thí nghiệm đã chứng minh tinh dầu khổ qua rừng có tác dụng ức chế với chủng S. aureus trong khi ít tác động tới chủng E.Coli và C. albicans.
Ngoài ra chiết suất nước khổ qua rừng cũng có tác dụng kháng khuẩn đáng kể theo tác dụng tăng dần với những chủng sau đây: P. multocida , S. typhi , S. cholermidis và L. bulgaricus.
Tương tự với các chiết suất etanolic và methanolic từ lá mướp đắng rừng cũng có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ.
V. Tác dụng kháng viêm
Khổ qua rừng trong chế độ ăn kiêng làm giảm tình trạng viêm ở chuột bị nhiễm trùng huyết thông qua việc giảm bài tiết các cytokine tiền viêm và biểu hiện protein. Tăng cường hoạt động và sản xuất superoxide effutase, catalase, non-protein sulfhydryls và Bcl-2 ở chuột được điều trị trước khi bị nhồi máu cơ tim do isoproterenol, cùng với biểu hiện của cytokine gây viêm cơ tim.
Phenolic từ chiết suất khổ qua cũng làm suy giảm đáng kể các phản ứng viêm do chủng vi khuẩn P. acnes gây ra.
VI. Tác dụng chống khối u, ung thư của khổ qua rừng
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh chiết suất từ khổ qua rừng và các thành phần monome của nó cho thấy hoạt động chống ung thư mạnh mẽ. Với khả năng chống lại các khối u: bệnh bạch cầu lympho, ung thư hạch, choriocarcinoma, khối u ác tính, ung thư vú, ung thư da và ung thư tuyến tiền liệt.
Chiết suất toàn phần quả mướp đắng rừng cũng cho thấy tác dụng: giảm đáng kể gánh nặng khối u do u nhú ở da và bệnh ung thư vú ở phụ nữ.
Các thành phần hoạt tính sinh học của mướp đắng rừng hoạt động như các tác nhân chống khối u thông qua sự ức chế tăng sinh tế bào ung thư, gây ra quá trình chết tế bào (apoptosis) khối u, ảnh hưởng tới sự chuyển hóa năng lượng, suy yếu sự di căn và tăng cường hoạt động của các gen ức chế khối u.
VII. Khổ qua rừng giảm nồng độ cholesterol và triglyceride
Thực nghiệm cho thấy khi cho chuột ăn khổ qua rừng với liều lượng 140mg/kg trong 30 ngày: sau 10 ngày mức độ cholesterol giảm nhẹ và sau 20 ngày mức độ triglyceride sẽ giảm.
Mướp đắng rừng giúp cơ thể tăng cường khả năng chuyển hóa chất béo thành năng lượng. Giảm sự hấp thụ và khả năng lưu trữ chất béo trong tế bào. Giảm khả năng mắc các bệnh gan nhiễm mỡ và mỡ máu. Đặc biệt tác dụng tốt đối với các bệnh nhân đang trong tình trạng tiểu đường.
Qua đó có tác dụng giảm cân và nguy cơ mắc cách bệnh tim mạch.
VIII. Tác dụng điều hòa miễn dịch
Chiết suất khổ qua rừng có khả năng thúc đẩy đáng kể sự bài tiết NO và hoạt động thực bào. Qua đó ức chế hoạt động của tế bào lympho hoặc thay đổi các thông số động học của các phản ứng miễn dịch. Kết quả điều hòa được miễn dịch trong cơ thể.
Đồng thời ức chế các phản ứng sinh sản trong tế bào lách của chuột, tăng phản ứng sinh sản tế bào B bằng cách gây ra hoạt động immunoglobulin màng bề mặt. Tế bào đóng vai trò chính trong khả năng miễn dịch dịch thể. Cải thiện chức năng miễn dịch ở chuột già.
IX. Tác dụng làm lành vết thương của khổ qua rừng
Bằng việc cải thiện, điều trị bệnh tiểu đường. Khổ qua rừng giúp hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh tiểu đường như: miễn dịch suy yếu và tân mạch, thiếu hụt yếu tố tăng trưởng, giảm tổng hợp collagen. Từ đó ảnh hưởng tới khả năng làm lành vết thương.
Thực nghiệm cũng chứng minh 1 loại thuốc mỡ chiết suất từ mướp đắng rừng cho tác dụng tăng cường đáng kể quá trình đóng vết thương. Gia tăng sự phát triển và biệt hóa của tế bào. Giảm đáng kể diện tích vết thương và thời gian biểu mô hóa tế bào.
X. Tác dụng dược lý khác
Ngoài những tác dụng quan trọng nêu trên. Khổ qua rừng còn có một số tác dụng dược lý sau:
- Ức chế tuyến trùng đường tiêu hóa.
- Hạ huyết áp.
- Hạ sốt.
- Giảm thiểu tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng do vi khuẩn HP gây ra.
- Và nhiều tác dụng khác nữa…
Liều dùng
Theo các tài liệu khoa học, khổ qua rừng có vị đắng, tính hàn. Tác dụng khá tương đồng với khổ qua ta, quy vào 4 kinh tâm, can, tỳ, vị.
Cách sử dụng: chế biến thành món ăn, sắc uống, sử dụng làm trà hoặc kết hợp với nhiều vị thuốc khác trong các bài thuốc… tùy mục đích sử dụng.
Liều dùng: hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về liều dùng khổ qua rừng. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng quá 300g với rau tươi và 60g với dược liệu chế biến khô.
Khổ Qua Rừng sử dụng làm thuốc
Tác dụng làm thuốc là một trong những tác dụng quan trọng nhất của mướp đắng rừng. Các bài thuốc từ khổ qua dưới đây bạn có thể tham khảo:
- Bài thuốc chữa tiểu đường, tiểu đường tuýp 2: Khổ qua khô 10g. Chia làm 3 lần ăn trực tiếp sau bữa ăn để hạ đường huyết.
- Bài thuốc chữa tiểu đường, có biến chứng võng mạc: mướp đắng rừng, hạt ngô mỗi loại 100g; đường phèn 10g. Rửa sạch, cho vào nồi thêm nước linh thành chè sau đó cho đường phèn. Chia thành 2 lần ăn trong ngày.
- Bài thuốc hạ huyết áp: Gừng tươi, hành hoa mỗi thứ 1 ít; mướp đắng rừng tươi 250g. Mướp đắng rửa sach, bỏ hạt, nhúng nước sôi trong 3 phút sau đó đem thái sợi. Trộn đều cùng hành và gừng băm nhỏ, thêm gia vị vừa ăn. Ăn trực tiếp.
- Bài thuốc trị máu nhiễm mỡ: Sữa bò 200ml, mật ong 20ml, mướp đắng rừng 1 quả. Mướp đắng bỏ ruột, bổ nhỏ, sau đó cho vào máy say nhuyễn cùng sữa bò. Hòa thêm mật ong vừa uống, sử dụng ngày 1 lần.
- Bài thuốc trị thấp khớp: Cỏ xước, cối xay, cây vòi voi, dây đau xương, rễ nhàu, cây xấu hổ, mướp đắng rừng mỗi loại 8g; dây thần thông, rễ ngũ trảo mỗi loại 5g; gừng (can khương) tươi 3g; quế chi 4g. Tiến hành sao vàng cây vòi voi và dây đau xương. Sau đó trộn đều cho vào ấm sắc thuốc cùng 800ml nước. Đun nhỏ lửa còn 300ml. Sử dụng 2 lần, uống hết trong ngày.
- Bài thuốc trị đại tiện ra máu: Rễ mướp đắng tươi 200g. Tiến hành rửa sạch, cắt khúc, cho vào ấm sắc cùng 1 lít nước. Sắc nhỏ lửa còn 300ml. Chắt nước uống ngày 2 lần.
Ngoài ra, Khổ qua rừng còn được ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng. Một số sản phẩm nổi bật được nhắc đến như:
- Trà khổ qua rừng và viên uống khổ qua rừng Mudaru.
- Thanh Đường Gamosa của Học Viện Quân Y.
Tác dụng phụ Khổ Qua Rừng
Được coi là một loại thực phẩm, vị thuốc khá bổ dưỡng tuy nhiên các bạn cần lưu ý những tác dụng phụ sau của khổ qua:
- Gây co bóp tử cung, có nguy cơ gây sẩy thai ở bà bầu.
- Tác dụng xấu đến chất lượng sữa mẹ, do tính độc nhẹ.
- Gây đau bụng, thổ tả với người tì, vị hàn.
- Hạ đường huyết quá mức.
- …
Lời khuyên:
- Không sử dụng cho phụ nữ có thai và đang trong thời kỳ cho con bú.
- Người tì, vị hư không nên sử dụng.
- Không được sử dụng quá nhiều cùng một 1 lúc hoặc quá lạm dụng trong thời gian dài.
- Người bị huyết áp thấp, đường huyết thấp không nên sử dụng.
Khổ qua có thể tương tác với một số loại thuốc tây, thuốc đặc trị. Vì vậy cần tham thảo ý kiến của bác sỹ trước khi dùng.
Mua Khổ Qua Rừng ở đâu?
Hiện nay khổ qua rừng khá được chào đón trên thị trường. Vì vậy cung thường không đủ cầu.
Các bạn có thể tìm mua tại một số vườn dược liệu, các tiệm thuốc nam, thuốc đông y. Hoặc một số Website chuyên về dược liệu trên Internet. Tuy nhiên các bạn cần lựa chọn những cơ sở uy tín để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mình và người thân.
Giá khổ qua rừng thay đổi tùy thuộc vào tình trạng khan hiếm và nguồn hàng. Hiện giá bán tại vườn hoặc tiệm thuốc như sau:
- Thân và lá non tươi tại vườn khoảng 10.000đ/bó.
- Quả tươi trên dưới 100.000đ/kg.
- Quả khô/dược liệu đã sơ chế trên dưới 500.000đ/kg.
“Bài viết tham khảo các nguồn trên Internet”
Tin tức liên quan: